Cứ đến tối thứ bảy, cả dãy phố dài trên
đường Nguyễn Trãi (quận 5) nhốn nháo với đoàn có đến gần 30 chiếc xe
'đầu Honda, đuôi xe đạp ruồi' của đám thiếu niên.
Một buổi tụ tập của giới xe đạp nhái xe máy ở Sài Gòn.
Không có sự ganh đua về tốc độ, cũng chẳng lạng lách, đánh võng, nhưng
đoàn xe khiến không ít người đi đường giật mình dạt sang hai bên để
nhường đường bởi sự ồn ào của những âm thanh nhạc dance phát ra từ mỗi
chiếc xe cộng thêm ánh sáng nhấp nháy của các hệ thống đèn LED từ hàng
loạt bánh xe. Nếu nhìn qua gương chiếu hậu, không ít người tham gia
giao thông lầm tưởng sau họ đang là một đám thanh niên ngồi trên những
chiếc Honda đang chờ để “bão đêm”, chỉ có điều, cái đám “bão đêm” này
lại chẳng có vẻ gì là muốn rú ga, hay tăng tốc để vượt lên cả, đơn giản
vì chúng đều là… xe đạp.
Hình hài... quái dị
“Hồi mới thành lập, nhóm của bọn em đông lắm, có những tối tụ tập trên
50 người, đó là cách đây hơn một năm, bây giờ thì cũng giảm nhiều lắm
rồi”, Tài ‘bin’, thủ lĩnh của ‘câu lạc bộ xe đạp Nguyễn Trãi’ nói.
“Nhiều thành viên do bị ba mẹ la, rồi đến tuổi đi xe máy, hoặc đơn giản
là cần tiền, đã bán xe cho người ở quận khác vì giá của mỗi chiếc xe
sau khi… độ cũng lên đến khoảng 1,5 triệu đồng, một số tiền không hề
nhỏ đối với giới tuổi teen”.
Nhìn những chiếc xe đạp mà mỗi thành viên nhí, tuổi chỉ từ 12 đến 16
trong câu lạc bộ của Tài ‘bin’, không ít người phải lè lưỡi về mức độ
quái dị. Từ chiếc xe đạp BMX (mà giới teen quen gọi là ‘xe đạp ruồi’)
nhỏ xíu, các vị chủ nhân trẻ đã lôi chiều dài của yên xe và ghi đông
lên hết cỡ rồi chế thêm các giá đỡ để lắp cho được vỏ thân trước và sau
của xe Honda. Sự kết hợp của khung vỏ nhựa xe máy người lớn với xe đạp
mini tạo ra những sản phẩm khá mất cân đối về hình hài khi phần đuôi
của thừa hẳn ra phía sau, khiến người nhìn có cảm giác nếu có ai ngồi
lên đó hẳn cả “hệ thống” sẽ “tùng bê” ngay lập tức.
Chưa dừng lại ở đó, đủ kiểu trang trí được áp đặt lên mỗi phương tiện
di chuyển này tùy theo sở thích của chủ nhân. Nhìn vào dàn xe nhong
nhong trên đường, người ta thấy cả thấy đủ các loại nhãn hiệu xe đua
nổi tiếng thế giới như Honda, Yamaha, FIAT… cho đến cả các nhãn hiệu…
chẳng ăn nhập vào đâu như Sony Ericsson (điện thoại), Acer (máy tính),
Camel (thuốc lá).
Đã nhái xe máy thì nhái “cho đến nơi”, một số “quái xế nhí” trang trí
thêm cho cỗ xe của mình những chiếc biển phía sau để “khẳng định đẳng
cấp”. Một biển số xe ghi rõ địa chỉ của chủ nhân “F9 Q10” (phường 9,
quận 10, TP HCM), một xe khác được “đóng mộc” rất to ở đuôi xe với
thông điệp: “Kòn sài đc 99%” (Còn xài được) – Baby hot boy – Hội trai
tơ”, một “anh” khác khoanh tròn phần đuôi xe quanh dòng chữ “Kòn Zin –
nghiêm cấm dưới mọi hình thức” với thông điệp cảnh báo… không muốn ai
tông vào xe từ phía sau (?).
“Vì xe của người nào là do người đó tự chế, nên chẳng có xe nào giống
xe nào cả”, Tài ‘bin’ tiếp. “Trông phức tạp vậy, nhưng hầu hết các thủ
thuật độ xe đều khá đơn giản, không cần nhiều thao tác để hoàn tất mà
chủ yếu là phụ thuộc vào… kinh phí”.
Niềm vui mỗi ngày
Theo Tài, xe đạp của các thành viên đều được mua về từ chợ xe cũ Tân
Thành với giá khoảng 100.000 - 150.000 đồng. Đó là những chiếc xe nhỏ,
cũ kỹ, chỉ cần còn đi được, không cần đầy đủ các phần trang trí hay
chắn xích, chắn bùn. Cũng tại khu chợ này, các khách hàng nhí lần tìm
để mua lại dàn mũ, thân và đuôi của những chiếc xe Honda cũ… sau đó đem
về sơn, vẽ lại màu và họa tiết theo ý thích. Một số “quái xế” không có
hoa tay thì mua hẳn vỏ xe mới.
“Cái khó nhất là ở công đoạn lắp cả dàn khung Honda lớn lên chiếc xe
nhỏ. Việc này bọn em phải ra tiệm nhờ người ta hàn dùm thêm các thanh
đỡ. Mình mô tả thôi, người ta sẽ theo ý mình mà làm. Sau đó về nhà tự
bắt ốc”, một ‘đệ tử’ của Tài ‘bin’ lên tiếng. “Thông thường thì xe của
mỗi đứa phải làm dần dần chứ không phải ra mua hết phụ tùng về gắn cùng
một lúc, bởi không phải đứa nào cũng có nhiều tiền để hoàn thiện một cỗ
xe một sáng một chiều”.
Mỗi ngày một chút, khi thì lắp đầu xe, khi thì chế thêm yên, lúc lại lọ
mọ dán thêm tem… rồi đến khi xe định hình rồi thì ra chợ Nhật Tảo để
mua hệ thống loa và đèn, ắc quy về dùng băng keo gắn vào xe, niềm đam
mê và mong muốn khẳng định chỗ đứng trong nhóm khiến mỗi “tay lái trẻ”
say sưa nâng cấp xe bằng từng đồng tiền tiết kiệm được từ tiền quà
sáng, tiền xin ba mẹ…
“Xe ban đầu thì chỉ hơn 100.000 đồng thôi, nhưng khi đã thành sản phẩm
ưng ý thì có khi cũng lên đến gần 2 triệu đồng. Có khi bọn em mất đến
1,2 tháng để làm xong. Khổ nhọc như thế, nhưng khi chạy xe trên đường,
thấy mọi người nhìn, cũng thấy sung sướng lắm”.
“Buổi sáng thì tụi em đi học, chiều về lấy xe ra xem còn cái gì có thể
sửa thêm không. Xem thêm cả xe của bạn bè xem có cần làm chỗ nào cho
đẹp hơn không. Đến tối thì bắt đầu tụ tập để lên trung tâm Sài Gòn
chơi. Thường chỉ tụ tập vào tối thứ Bảy khi không phải học bài. Sau khi
đi diễu hành một vòng quanh công viên 23/9, cả đám tụ tập ở một quán
nước nào đó giải khát và ngắm dàn xe dựng đều tăm tắp bên vỉa hè”, Tài
nói thêm.
Thoạt nhìn phía trước tưởng một hàng xe máy...
...Nhìn sau mới biết toàn xe đạp.
Những tưởng cái mốt “xe đạp ruồi” đã lắng xuống từ cách đây 2 năm, thì
cái phong trào “xe đạp nhái xe máy” này vẫn còn khá xôm ở Sài Gòn. Các
câu lạc bộ xe đạp vẫn có những vị trí riêng trong các diễn đàn dành cho
giới trẻ và vẫn đón nhận khá nhiều sự quan tâm…
Nhìn tưởng to, nhưng khi ngồi lên thì chỉ bé thế này.
Hình ảnh một buổi đi offline.