Mặc
dù bước qua tuổi 50, nhưng chú Nguyễn Minh Tân vẫn ngày ngày có mặt đầy
đủ trong các tiết học tại khoa Hóa thực phẩm, hệ chính quy Trường Cao
đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương. Người sinh viên đạt kỷ lục “lớn
tuổi” này tâm sự: “Ngày nhỏ do phải phụ giúp ba mẹ lo cho những người
em ăn học, giờ đến khi các em đã trưởng thành thì mình lại tiếp tục
thực hiện ước mơ thuở thiếu thời. Nếu không làm được điều đó, lòng mình
sẽ còn rai rức mãi…” Chú
sinh năm 1959, tại Sài Gòn. Năm 15 tuổi, chú được chọn vào học trường
Kỹ thuật Cao Thắng (một trường mơ ước của thanh niên thời bấy giờ).
Chưa đầy 1 năm thì đất nước giải phóng. Thực hiện chủ trương về vùng
kinh tế mới của nhà nước, gia đình chú dời về huyện Dầu Tiếng lập
nghiệp. “Mình là anh cả của 8 người em. Gia đình khó khăn, mình phải
lao vào cuộc mưu sinh phụ giúp ba mẹ lo cho các em nhỏ. Vì vậy mà phải
bỏ ngang việc học”, chú bùi ngùi nhắc lại.
Thời
gian thắm thoắt trôi nhanh, những đứa em của chú giờ đã có gia đình
riêng, chú cũng đã có đến 2 cháu nội, ngoại. Chú nhận ra rằng, người
nông dân do ít kiến thức nên rất thiệt thòi. Trồng có mấy cây tiêu, cây
điều mà cứ chặt bỏ, rồi trồng lại, làm hoài không mang lại hiệu quả gì.
Điều kiện gia đình giờ đã ổn định hơn, cái học như cơn gió trái mùa
thổi qua làm chạnh lòng những ước vọng về một chữ học tưởng đã không
còn có thể đối với chú. Lúc đầu ai cũng ngỡ chú nói chơi nhưng đâu ngờ
chú quyết tâm cắp sách đến trường thật. 4 năm học ở Trung tâm giáo dục
thường xuyên để tốt nghiệp THPT; 1 năm ôn thi và năm 2007, chú chính
thức đậu vào hệ chính quy khoa Hóa thực phẩm của Trường Cao đẳng Kinh
tế - Kỹ thuật Bình Dương. “Đâu thử làm người nông dân thời công nghiệp
hóa coi sao”, chú lý giải.
Hồi
mới đầu đến lớp, chú gặp không ít những ánh mắt quá đổi ngạc nhiên của
mọi người từ thầy phụ trách khoa cho đến sinh viên. Họ nghĩ chú đi đăng
ký cho con trai học, là phụ huynh sinh viên. Và cuối cùng khi nhận ra
rằng chú cũng là một sinh viên, họ tò mò hỏi chú vì sao đi học khi
không còn trẻ nữa? Chú giải thích: “Mình muốn học để thỏa mãn niềm đam
mê học từ thuở nhỏ, và còn là để làm gương cho con cháu về tính ham
học”. Chú lạc quan nhìn nhận, ở thị trấn Dầu Tiếng quê chú đang từng
ngày công nghiệp hóa nên sẽ có nhiều xí nghiệp nhà máy mọc lên. Sau khi
ra trường chú sẽ có thể về xin vào làm ở những nơi đó. Hoặc công ty Tân
Tân (huyện Dĩ An), nơi chú thực tập có lời mời là khi ra trường sẽ nhận
chú vào làm nếu chú có ý định…“Phải đi làm để trả nợ vì chú đã vay của
ngân hàng chính sách 24 triệu đồng để đi học”, chú kể. Mà quả thật, đi
học mới thấy được thế giới này rộng lớn với nhiều kiến thức bổ ích. Giờ
chú có thể tiếp cận nhiều nguồn tri thức khác nhau từ lớp học, từ
internet. Chú còn biết đến tiếng Anh. Đi học cách nói năng của mình
cũng cân nhắc, lựa lời hơn trước kia, không còn uống rượu say sỉn cũng
là một hiệu quả làm chú hài lòng...
Từ
lúc 5 giờ sáng, người nông dân lớn tuổi ấy vẫn cắp cặp ba lô, chiếc áo
khoác bắt 2 chuyến xe buýt đến trường. Không chỉ thế, chú còn tích cực
tham gia các hoạt động của trường, trong đó có hoạt động hiến máu nhân
đạo. “Mỗi chúng ta chỉ cần trích là từ 200 - 400ml máu là có thể giúp
được những người bệnh qua cơn nguy kịch rồi. Mình chỉ mong mình có thể
làm được một việc gì đó có ích cho xã hội dù chỉ là nhỏ”, chú nói.
Người
sinh viên lớn tuổi như chú để theo học được đến cùng chịu rất nhiều chi
phối bởi cuộc sống. Ngay cả học anh văn, chú cũng phải mò mẩm lại từ
con chữ A, B, C…Thế nhưng lòng quyết tâm và ý chí chiến thắng bản thân
đã giúp chú vượt qua được chặng đường gian khổ để đeo đuổi một chữ học,
trở thành tấm gương cho nhiều bạn trẻ noi theo.
ảnh: DSC03031: chú Nguyễn Minh Tân theo dõi kết quả điểm thi môn học
NGỌC TRINH