Thích thì bỏ tiền cưới vợ, khi “bực mình” thì rao bán cả vợ cả con,
bố mẹ chồng cũng có quyền bán con dâu và cháu nội… Bán dâu - một hủ tục
của người Dao - Thanh Phán tưởng như chỉ còn là một câu chuyện mông
muội thủơ hồng hoang.Đến huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) bỗng ngỡ ngàng trước lời rao bán vợ và con với giá 7 triệu rưỡi...
Đi vào xã Phong Dụ, thời gian bất chợt như bị kéo ngược về vạn năm
trước, thời còn chế độ mẫu hệ, khắp các nương ngô bờ ruộng, chỗ nào có
người cặm cụi làm việc cũng đều lầm lụi màu “lẩu víu” (khăn đội đầu màu
đỏ của phụ nữ người Dao - Thanh Phán đã có chồng).
Tịnh không thấy bóng đàn ông. Sự băn khoăn chỉ được làm sáng tỏ khi tới
chợ Phong Dụ đang bữa chợ phiên, quanh quán rượu bán món nhắm chẳng ra
thắng cố chẳng ra lòng lợn xào vẫn bốc mùi khăn khẳn ràn rạt những gã
đàn ông.
Bên bát rượu mang tính ngoại giao, tôi dò hỏi về cái tập tục vô luân
thủa trước chỉ mong nó chìm vào quên lãng thì Vàng Mảy Chíu, người thôn
Khe Xoong vỗ bộp vào vai tôi: “Trả tiền rượu rồi tao dẫn đi! Hôm nọ nó
bảo bán cả vợ, cả con 7 triệu rưỡi, đắt! Chưa bán được, mày đến mua
chắc vẫn kịp”...
Đàn ông Dao nhiều người suốt ngày tụ tập ở quán rượu (ảnh chụp ở chợ Phong Dụ)
Già, xấu thì bán!Trên đường đi, Chíu cứ liến thoắng: “Thằng Chìu Cắm Lành cũng cần tiền
lắm, mày trả giá thấp khéo nó cũng bán. Nó cần tiền để lấy vợ mới. Vợ
nó là cái Dung đẹp lắm, bằng ấy tiền là đúng rồi, vợ nó không xấu như
vợ tao, vợ tao chỉ 4 triệu(?!)”.
Trước cửa ngôi nhà xây bằng gạch đất không trát ở thôn Khe Xoong, xã
Phong Dụ (huyện Tiên Yên, Quảng Ninh), ông Chíu Sáng Cấu năm nay đã
ngoài 90 tuổi ngồi một mình. Đây là nhà đẻ của “món hàng” tôi cần tìm.
Ông Cấu không biết tiếng Kinh.
Nhờ sự phiên dịch của một cán bộ xã, chuyện mới câu được, câu chăng.
Nửa tiếng sau khi nhờ người đi gọi, mẹ con Chíu Tài Múi (tiếng Kinh gọi
là Chíu Thị Dung) bế nhau về. Gương mặt khá đẹp của Dung buồn như đưa
đám, khóe mắt lúc nào cũng lóng lánh hai giọt nước chỉ chực lăn ra
ngoài. Nghe hỏi đến chuyện chồng con, Dung không kìm được dấm dứt khóc:
“Ở với nhau đã 5 năm, có với nhau một mặt con, giờ anh ấy nói: “Tao
không lấy mày nữa”. Anh ấy rao bán mẹ con em 7 triệu rưỡi”.
Năm 2002, nhà Chìu Cắm Lành đến hỏi cưới Dung. Năm ấy Dung mới 14 tuổi
còn Lành cũng chỉ mới 16 tuổi. Nhà trai đem 2,5 triệu đồng làm lễ hỏi.
Sau hai ngày cỗ bàn linh đình rượu chảy như suối, thịt chất đầy sân,
bếp lửa cháy rần rật, chảo thức ăn đầy ăm ắp… Lành đưa Dung vào cúng ma
nhà mình.
Vợ chồng trẻ con về ăn ở với nhau từ năm ấy. Dung cặm cụi như con trâu
con ngựa làm nương làm việc nhà Lành. Tháng 6 năm 2006, Dung sinh được
một con trai kháu khỉnh. Từ ngày vợ có bầu, Lành hay theo đám bạn trai
vào chơi nhà có con gái mới lớn. Về nhà, Lành bắt đầu chê vợ mình… già
và xấu (!) dù lúc ấy Dung mới chưa đầy 20 tuổi. Sau khi Dung sinh con,
Lành bảo vợ: “Tao không lấy mày nữa…”
Gửi kho chờ bán!
Theo tục lệ người Dao, khi chồng nói thế thì không còn lý do gì để
ở trong nhà chồng, Dung bế con về nhà mẹ đẻ. Ba ngày sau cô quay lại
nhà chồng thu xếp nốt quần áo cho con. Cả nhà chồng thản nhiên không ai
hỏi thăm Dung và con trai một câu. Đuổi vợ đi rồi, nhưng Lành vẫn cần
khoảng chục triệu lấy vợ mới. Anh ta loan tin trong xóm, bán cả vợ, cả
con trai chưa đầy tuổi của mình với giá 7,5 triệu đồng.
Bất kể già, trẻ, tốt, xấu, lành lặn hay tàn tật đều có thể đến chồng
tiền và đem mẹ con Dung đi. Dung ở nhà mẹ đẻ, ngày ngày địu con lên
nương làm lụng vừa phấp phỏng chờ đợi cái ngày có một người đàn ông xa
lạ đến làm chồng mình và làm cha đứa con bé bỏng của mình. Người ấy tốt
xấu thế nào, phải đi tận đâu, cuộc sống rồi sẽ ra sao…
Dung đều không được biết trước và cũng không có quyền từ chối. Mỗi bận
có khách lạ tới nhà Lành, Dung cứ run người vì sợ hãi, thoạt đầu cô còn
để ý xem khách ra sao nhưng cuối cùng cô cũng chẳng để ý vì dù là ai
thì cũng chẳng thể đi đâu để tránh khi mình đã “gửi ma” vào nhà người
ta. Dung bảo: “Bạn em cũng nhiều người bị bán như em. Lấy chồng từ ngày
mới 14, 15 tuổi. Ăn ở với nhau khoảng 5 - 10 năm thì chồng đã chán rồi
chê mình già mình xấu. Họ bán mình đi lấy người khác về”.
Chị Chíu Nhì Múi - người 3 lần bị bán
Với tôi, thời gian nơi đây còn kéo ngược về thời mông muội hơn nữa khi
một ông cán bộ thôn nói về giải pháp giải thoát cho những cô dâu tội
nghiệp trong cái vũng lầy u tối cứ đen đặc nơi núi rừng âm u này, Tằng
Dẩu Tắc trưởng thôn Khe Vè xua tay: “Không được đâu! Đã cúng gửi ma nhà
nó rồi, nó không cúng giải thì ma nó vật chết! Phải để chồng nó bán thì
mới không bị con ma hại”.
Chính vì thế mà kể cả khi chồng chết, vợ đi lấy chồng mới, nhà chồng cũ
vẫn đòi tiền thì mới cúng giải ma cho những cô dâu tội nghiệp. Trước
khi thành vợ chồng người Dao có tục cúng ma. Sau lễ này, cô dâu không
được bỏ trốn không được tự ý đi nơi khác. Khi nhà chồng bán dâu, cô dâu
không có quyền phản đối. Nếu tự ý về nhà mẹ đẻ hay bỏ đi nơi khác thì
nhà trai không làm lễ tách ma, hồn vía cô dâu vẫn quanh quẩn ở nhà
chồng.
Khi ấy nhà chồng có nhiều cách xui ma làm hại. Những câu chuyện về các
loại ma hại người ở đây cứ chờn vờn trong sương khói vùng sơn cước, nổi
tiếng nhất là chuyện “ma trứng”. Nhà trai sẽ mang một quả trứng chim
đến nhà cô dâu cứng cổ, nếu cô dâu đập vỡ trứng lúc quả trứng còn
nguyên nước (có lòng đỏ, lòng trắng) thì cô dâu thành con ma nước suốt
ngày trần truồng dầm suối mà leo lên thượng nguồn, nếu để cho quả trứng
nở ra con chim thì khi con chim vỗ cánh, cô dâu cứ theo hướng chim bay
mà chạy bất kể ngày đêm...
Ăn lãi “của thơm”!Một trong những người bị bán nhiều lần nhất vùng đất này là chị Chíu
Nhì Múi ở thôn Khe Vè xã Phong Dụ. Chị Múi là một phụ nữ khá đẹp người
đẹp nết. Năm nay 33 tuổi nhưng chị Múi đã có tới 3 đời chồng. Năm 15
tuổi, bố mẹ gả bán Múi cho người chồng là Dương Cắm Quý. Anh này chỉ
uống rượu cả ngày rồi đi chơi. Sống với nhau được 2 năm, anh ta đem chị
bán cho một người đàn ông khác. Về với chồng mới được vài năm, chị Múi
lại bị đem bán lại một lần nữa.
May mắn cho chị lần thứ 3 gặp được anh Hoàng Sinh Quang là người đàn
ông đàng hoàng chịu khó làm ăn. Sau 13 năm chung sống, vợ chồng chung
lưng đấu cật giờ họ đã có với nhau 4 con và ở với nhau khá hạnh phúc.
Khi hỏi về “nguồn gốc” những đứa con thì chị Múi trả lời như bao người
phụ nữ ở đây trong hoàn cảnh tương tự: “Con của anh Quang chồng mình”.
Chị Múi bảo người nào hay chơi bời không chịu làm ăn thì hay bán vợ.
Hỏi sao chị biết? chị bảo “Như thằng Quý, chồng đầu của mình ấy”. Đến
nay, Dương Cắm Quý đã lần lượt lấy rồi bán 4 người vợ mà vẫn lăm le lấy
vợ khác...
Khác với hình ảnh về một người đào hoa có tới 4 đời vợ khi mới ngoài 30
như tôi tưởng tượng, Dương Cắm Quý nằm say dúi dụi góc chợ Phong Dụ sau
buổi chợ phiên, hàm răng vàng khè theo nhịp ngáy thổi tung những cái
lông gà bám bẩn trên nền chợ đầy lá bánh. Thông dịch viên của tôi là
anh chàng Vàng Mảy Chíu lắm mồm có cô vợ giá 4 triệu lắc đầu: “Thằng
này khổ rồi! Có con vợ mang bán nốt, lúc say chẳng có ai đưa về”. Cắm
Quý đã tỉnh dậy, lại đòi rượu còn bảo “cho hồi rượu”, trả lời cho sự
phẫn nộ của tôi về việc làm vô luân tới lần thứ 4 của gã trai này, Quý
chỉ ngơ ngác: “Thế không bán thì tao lấy tiền đâu mua vợ mới. Tao chỉ
ăn lãi được mỗi “của thơm” thôi”. Chả biết cái “của thơm” của ông này
là gì nhưng nghe Chíu giới thiệu: “Cả 4 vợ của thằng Cắm đều là “gái
mới” (gái chưa lấy chồng lần nào) cả đấy” cảm xúc tôi cũng thoáng lên
một chút ghen tị với Quý trong cái xót xa, cay đắng cho phận đàn bà ở
đây... Quý bảo: “Mày đi buôn gỗ à? Mua lũa (gốc cây khô) không? Tao
biết một gốc lim xanh to lắm. Gốc lim tao để dành để lấy vợ mới đấy”.
Rồi đây ai sẽ lại là nạn nhân thứ 5 cho gã trai xuẩn dại này nữa đây,
cầu cho cái gốc lim già ấy biến mất!
Mang pháp luật chống hủ tục - trứng chọi đá!Dung cho biết, giờ cô ở nhà bố mẹ đẻ chỉ để chờ chồng cũ tìm người mua.
Dung bỏ tiền tự chuộc mình nhưng hầu như điều ấy không thể thực hiện
được. Bao năm làm lụng cho nhà chồng Dung không có một đồng lưng vốn.
Lúc chồng đuổi, cô ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng.
Vả lại nếu có tiền chuộc mình cô cũng không thể ở lại nhà bố mẹ đẻ mãi.
Tục lệ người Dao ruộng đất tài sản chỉ để lại cho con trai và con dâu,
con gái không có phần. Vài năm nữa hai em trai của Dung sẽ cưới vợ. Lúc
ấy dù không muốn Dung vẫn phải rời khỏi nhà bố mẹ đẻ.
Bà Dương, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phong Dụ cho biết, tục bán dâu đã ăn
sâu vào tiềm thức nếp sống người Dao Thanh Phán và người phụ nữ thường
chỉ biết cúi đầu chấp nhận. Về thực tế bán dâu đa số có nguyên nhân từ
nạn tảo hôn. Trước, người Dao cưới vợ cho con khi mới chỉ trên dưới 10
tuổi. Có cặp vợ chồng cưới nhau về vài năm vẫn chỉ để làm mỗi một việc
là dẫn nhau đi chơi.
Có lần đôi vợ chồng 10 tuổi dẫn nhau đi tát vũng nước đến tận tối không
biết đường về. Bố mẹ chồng phải đi tìm rồi dắt về tắm rửa. Lấy nhau từ
rất sớm, đến khi ngoài 20 tuổi người chồng đã chán vợ mình già. Người
chồng bắt đầu vào làng tìm đến nhà có con gái mới lớn. Rồi người chồng
vợ bán lấy tiền cưới vợ mới. Để đẩy lùi tệ nạn này, Toà án huyện Tiên
Yên đã xét xử lưu động một số vụ án tảo hôn ngay tại địa bàn xã. Đã có
người phải đi tù vì chuyện này, tuy nhiên sau khi xử án mọi chuyện lại
đâu vào đấy. Chính quyền xã và các ban ngành cũng khó lòng ngăn chặn vì
khi cưới họ chẳng đăng ký, lúc bán dâu họ cũng chẳng báo chính quyền
bao giờ.
Sau đợt đi công tác, khi về UBND xã, tôi nhất quyết đòi mượn máy điện
thoại của UB để cắm đường truyền vào chiếc máy tính xách tay rồi lên
mạng. Chỉ đến khi đọc trên các báo điện tử cái tin tại Hà Nội đang có
vụ một cô con dâu kiện nhà chồng đòi tài sản thì tôi mới tin là mình
đang sống vào những năm đầu của thế kỉ 21.Chị Nông Thị Dương, Chủ tịch
Hội LHPN xã Phong Dụ acho biết, tình trạng bán dâu vẫn xảy ra tại bộ
phận người Dao Thanh Phán ở các thôn Khe Vè, Cao Lâm, Khe Xoong, Khe
Xóm.
Theo chị Dương đây là một hủ tục có từ lâu đời. Suốt quá trình chung
sống, nếu chồng hoặc bố mẹ chồng không vừa lòng về cô dâu thì có thể
đem bán cho người khác bất cứ lúc nào. Cũng theo tục lệ nơi đây, cô dâu
bị đem bán thì những đứa con cũng bị bán kèm theo. Những đứa con đương
nhiên sẽ thuộc quyền “sở hữu” của người chồng mới. Càng nhiều con, bán
càng được nhiều tiền.